Diễn biến chính trị có liên quan Chiến_dịch_Budapest

Sự thành lập Quốc hội và Chính phủ lâm thời Hungary

Tấm bảng kỷ niệm tại nơi ở của Zsedényi Béla, Chủ tịch Quốc hội lâm thời Hungary năm 1944

Cũng như các nước châu Âu khác bị Đức Quốc xã và Phát xít Ý chiếm đóng, ở Hungary cũng có phong trào du kích kháng chiến. Tuy nhiên, do nằm sâu trong hậu phương của quân đội Đức Quốc xã nên phòng trào du kích ở đây tương đối yếu. Những đội du kích Hungary do Đảng Cộng sản lãnh đạo chỉ đủ sức tổ chức một số hoạt động đánh bom và các trận phục kích nhỏ lẻ trong điều kiện bi lực lượng SSGestapo cùng với bộ máy mật thám của chính quyền Hungary thân Đức truy quét gắt gao. Chỉ đến giữa năm 1944, khi Chính phủ của Horthy Miklós bắt đầu tìm đường thỏa hiệp với phương Tây và nới lỏng kiểm soát thì những người yêu nước Hungary chống phát xít mới "dễ thở" hơn đôi chút. Tháng 6 năm 1944, tại một địa điểm bí mật gần biên giới cũ giữa Hungary - Romania, những người yêu nước Hungary chống phát xít đã thành lập Mặt trận Hungary tự do, cơ quan trung ương thống nhất chỉ huy phong trào kháng chiến. Tháng 9 năm 1944, khi quân đội Liên Xô bắt đầu tiến vào Transilvania, Đảng Cộng sản Hungary ra lời kêu gọi nhân dân Hungary nổi dậy phối hợp với Hồng Quân đánh đuổi Đức Quốc xã.[31]

Tháng 11 năm 1944, tại Debrecen vừa được giải phóng trước đó ít ngày, các đại biểu của Mặt trận Hungary tự do đã bầu ra Ủy ban giải phóng dân tộc Hungary với nhiệm vụ chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa ở Budapest. Mặt trận Hungary tự do cũng được đổi tên thành Mặt trận Tổ Quốc Hungary. Tuy nhiên, cuộc đảo chính quân sự lật đổ nhiếp chính Horthy Miklós đã làm hỏng cuộc khởi nghĩa. Lực lượng SS và Gestapo không chỉ truy bắt những người thuộc phe Horthy Miklós mà còn truy bắt cả những người cộng sản hoạt động bí mật. Nhiều cơ sở của Mặt trận Hungary tự do ở Budapest bị phá vỡ. Ngày 1 tháng 12 năm 1944, những người yêu nước Hungary đã tổ chức đánh bom nhà hát thành phố Budapest, nơi đang tập trung các sĩ quan Đức trong một cuộc họp. Tuy nhiên, do thiếu lực lượng hỗ trợ, vụ đánh bom đã không thể châm ngòi cho một cuộc khởi nghĩa.[32]

Ngày 21 tháng 12 năm 1944, tại Debrecen, Quốc hội lâm thời Hungary được thành lập do Giáo sư luật học Zsedényi Béla, người vừa trốn thoát khỏi nhà tù của Gestapo tại Miskolc làm Chủ tịch và thông qua "Cương lĩnh khôi phục nền dân chủ và phát triển Hungary". Ngày 22 tháng 12, Quốc hội lâm thời đã bầu ra Chính phủ lâm thời Hungary do thượng tướng Miklós Béla đứng đầu. Thành phần Chính phủ lâm thời gồm các đại biểu của Đảng Xã hội dân chủ Hungary, Đảng Dân tộc đại diện cho tầng lớp điền chủ, Đảng Độc lập đại diện cho các tiểu nông và các đại biểu của Đảng Cộng sản Hungary. Một số tướng lĩnh và chính khách của chính phủ Horthy Miklós đã bị lật đổ cũng tham gia chính phủ như tướng Gábor Farago, tướng Janós Veriosz và bá tước Géza von Teleki. Nhiệm vụ đầu tiên mà Quốc hội lâm thời Hungary giao cho chính phủ của tướng Miklós Béla là phải ký kết càng sớm càng tốt một hiệp định đình chiến giữa Hungary với Liên Xô, các nước đồng minh Anh - Mỹ và các nước mà Hungary đang trong tình trạng chiến tranh với họ.[4] Quốc hội lâm thời Hungary cũng ra lời kêu gọi gửi nhân dân Hungary. Lời kêu gọi có đoạn viết:

Chúng ta không được thờ ơ ngồi xem quân đội Nga đơn phương đứng ra giải phóng cho cho Tổ quốc chúng ta thoát khỏi ánh nô dịch của nước Đức. Chỉ khi nào với tất cả lực lượng của mình, chúng ta tích cực tham gia công cuộc tự giải phóng cho mình, đứng lên đấu tranh chống bọn phát xít Đức thống trị để giải phóng Tổ quốc thì chúng ta mới xứng đáng nhận lấy quyền tự do và độc lập... Hỡi những người con của đất nước Hungary ! Đối với anh em, không có một mệnh lệnh nào khác ngoài mệnh lệnh của dân tộc ! Thay mặt dân tộc Hungary, Quốc hội lâm thời ra lệnh: Hãy quay súng chống lại bọn chiếm đóng Đức, giúp đỡ Hồng Quân - sứ giả giải phóng của chúng ta, đoàn kết với cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân ta với lực lượng vũ trang nhân dân vừa mới thành lập.
— Quốc hội lâm thời Hungary.[33]

Đơn vị đầu tiên của quân đội Hungary mới

Tấm bia kỷ niệm Trung đoàn tình nguyện Buda tại nhà số 37, phố Krisztina, Budapest

Trong quá trình thành lập chính quyền của nước Hungary mới đứng về phe đồng minh chống phát xít, các nhà chức trách Hungary đã đề cập đến vấn đề xây dựng một quân đội Hungary mới. Tại bức thư gửi Bộ tổng tham mưu quân đội Liên Xô ngày 31 tháng 12 năm 1944, thượng tướng Miklós Béla hứa sẽ xây dựng ít nhất 8 sư đoàn Hungary để tham gia chiến đấu bên cạnh phe đồng minh. Các nước đồng minh Liên Xô, Mỹ và Anh đồng ý với chủ trương này. Ngày 9 tháng 1 năm 1945, thượng tướng F. F. Kuznesov, đại diện Bộ Tổng tham mưu Liên Xô tại mặt trận Trung Âu đã có buổi là việc với thượng tướng Janós Veriosz, Bộ trưởng chiến tranh của Chính phủ lâm thời Hungary. Về nhận thức, hai bên thỏa thuận sẽ gọi nhập ngũ những quân nhân dự bị cũ trước đây đã được huấn luyện quân sự và những người tình nguyện. Phía Liên Xô cho biết họ sẵn sàng cung cấp vũ khí phương tiện để có thể trong tháng 2 năm 1945, phía Hungary sẽ thành lập được một sư đoàn bộ binh. Bộ Tư lệnh Phương diện quân Ukraina 2 đã nhận được chỉ thị về việc này. Tướng thượng tướng F. F. Kuznesov nói rõ rằng việc thành lập các sư đoàn Hungary mới là việc nội bộ của người Hungary, ngoài việc cung cấp vũ khí, trang bị theo thỏa thuận giữa hai bên, phía Liên Xô không can dự vào công tác tổ chức cán bộ và biên chế. Tuy nhiên, lời nói của Janós Veriosz đã không đi đôi với việc làm. Đến cuối cuộc chiến tranh, chỉ có một sư đoàn chính thức của Chính phủ lâm thời Hungary được thành lập và gửi ra mặt trận sau ngày 9 tháng 5 năm 1945, khi chiến tranh đã kết thúc.[28]

Quân đội thực sự của nước Hungary mới được hình thành bằng một con đường khác. Đó là các tù binh Hungary bị quân đội Liên Xô bắt giữ và những người lính Hungary tự nguyện ra đầu hàng phía Liên Xô. Những binh sĩ Hungary bày tỏ nguyện vọng muốn được tham chiến bên hàng ngũ Hồng Quân và các chỉ huy Liên Xô đã ủng hộ họ. Tại các sư đoàn bộ binh 180, 297, 320, Sư đoàn cận vệ 108 và Lữ đoàn hải quân đánh bộ 83 đều lập ra các đại đội tình nguyện Hungary. Bước ngoặt quyết định dẫn đến việc thành lập trung đàn tình nguyện Hungary đầu tiên đến vào ngày 11 tháng 2 năm 1945 khi trung tá Variháza Oscar, chỉ huy trưởng Trung đoàn bộ binh 6 thuộc Sư đoàn bộ binh 10 (Hungary) ra hàng Hồng Quân Liên Xô, mang theo cả cơ quan tham mưu trung đoàn và khoảng 300 binh sĩ Hungary. Đơn vị này đã trở thành nòng cốt để thành lập "Trung đoàn tình nguyện Buda". Trung đoàn gồm 2.534 sĩ quan và binh sĩ, đã tham gia giải phóng Budapest và Chiến dịch Viên.[34]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Budapest http://books.google.be/books?id=cLY1z-XLd_IC&pg=PR... http://books.google.com/books?id=NilW70Yol74C http://books.google.com/books?id=tAOgAAAAMAAJ http://www.youtube.com/watch?v=S7tYf2zUNqc http://www.youtube.com/watch?v=SO_JT_x8CbI http://www.youtube.com/watch?v=gGgOviJ_Pzk http://www.youtube.com/watch?v=hzuhjW9HSx0 http://muse.jhu.edu/journals/past_and_present/v188... http://www.piter.fm/artist/%D0%BC%D0%B0%D1%80%D0%B... http://cadmus.iue.it/dspace/bitstream/1814/2599/1/...